Monday, July 1, 2013

Bưởi

Tên khoa học: Citrus decumana L.= Citrus grandis (L.) Osbeck.
Họ: Cam (Rutaceae).
Đặc điểm và phân bố.
Cây nhỡ sống lâu năm, cao 6-7m hoặc hơn. Cành có gai. Lá bưởi nguyên, cuống màu trắng, có mùi thơm, mọc thành chùm. Hoa bưởi có 4-5 lá đài, 4-5 cánh hoa, nhiều nhị, 5-10 tâm bì dính liền thành một bầu nhiều ô, mỗi ô có nhiều noãn. Quả hình cầu, đường kính 15-25cm. Vỏ quả rất dày, xốp, ruột quả có từng múi to, trong có nhiều tép, có thứ Bưởi cả múi và tép đều trắng, có thứ Bưởi cả tép và múi đều màu hơi đỏ hồng (Bưởi đào). Hạt dẹt có cạnh.
Cây bưởi được trồng nhiều trong vườn và mọc hoang ở rừng núi.
Bưởi - Cây thuốc chữa bệnh.
Bưởi
Bộ phận dùng
Hoa, lá, vỏ, quả.
Hái quả già, gọt lấy vỏ phơi trong râm cho se rồi gác bếp cho khô và để giữ cho khỏi thối. Khi dùng rửa sạch, gọt lấy vỏ the ở ngoài.
Lá có thể hái quanh năm (trừ khi đang ra hoa) thường dùng lá tươi.
Thành phần hóa học.
Vỏ quả ngoài chứa tinh dầu, các flavonoint như naringin, hesperidin. Vỏ trong: Chứa pectin. Dịch quả chứa axit xitric, đường, vitamin C.
Lá và hoa chứa tinh dầu.
Tính vị, tác dụng.
Lá bưởi: Vị đắng, the mùi thơm, tính ấm. Trừ hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết tiêu sưng.
Hoa và vỏ quả: vị the, mùi thơm, tính bình. Trừ phong,hóa đờm, tiêu bang (lách to), tán khí thũng (phù thũng thuộc khí)
Công dụng, cách dùng, liều lượng.
Nước hoa bưởi: làm thơm gia vị, giải khát.
Vỏ quả: chữa đờm kết đọng ở cổ họng và cuống phổi, đau bụng do lách to. Ngày dùng 4-12g, dạng thuốc sắc.
Lá già: chữa cảm sốt ho, nhức đầu, hắt hơi, kém ăn. Chữa sưng đau chân do hàn thấp chướng khí, giảm đau do trúng phong, tê bại. Ngày dùng 10-20g lá tươi, sắc uống. Có thể nấu nước để xông và ngâm chân, lá xát vào chân.
Lá non: nướng chính để nắn, xoa bóp chỗ đau cho tan máu ứ (sai khớp, sưng, bong gân, gãy xương do ngã hay bị đánh đập) sau đó lấy lá khác giã nát bó lên.
Chú ý: Người suy nhược do can hỏa liệt không nên dùng.

2 comments: