Tên khác: An tức hương, cây Bồ đề.
Tên khoa học: Styrax tonkinensis Piere
Họ: Bồ đề (Styracaceae).
Đặc điểm và phân bố Cánh Kiến Trắng.
Cánh Kiến Trắng cao chừng 15m. Búp lá non phủ lông mịn màu vàng nhạt. Lá mọc so le có cuống, dài 6-15 cm, rộng 2-2.5cm, phiến lá nguyên hình trứng, tròn ở phía dưới, nhọn dìa ở đầu, mặt trên lá màu xanh nhạt, mặt dưới trắng do có nhiều lông mịn. Hoa nhỏ trắng, thơm mọc thành chùy. Quả hình cầu, đường kính 1-2cm, mặt ngoài có lông hình sao, phía dưới mang đài còn sót lại.
Bộ phận dùng, chế biến, bảo quản Cánh Kiến Trắng
Nhựa cây.
Nhựa cây cánh kiến trắng gồm những khối to nhỏ không đều, màu vàng nhạt hoặc nâu đỏ, có mùi thơm vani.
Thu hái cánh kiến trắng vào mùa hè và thu.
Chọn loại 5-10 tuổi, rạch vào thân, cành, lấy nhựa, loại tạp chất, phơi hoặc sây khô.
Bảo quản: Để nơi khô mát
Thành phần hóa học Cánh Kiến Trắng
Cánh kiến trắng có axit benzoic, axit xinamic, vanillin, các este.
Tính vị, tác dụng Cánh Kiến Trắng
Cánh kiến trắng vị đắng, cay, tính bình. Tác dụng trừ ác khí (khí độc), hành khí huyết (thông khí huyết), an thần, đau bụng.
Công dụng, cách dùng, liều lượng Cánh Kiến Trắng
Cánh kiến trắng chữa trúng hàn, người lạnh toát, hoặc đau vùng ngực trái và bụng, phụ nữ sau khi đẻ đầu mặt xây xẩm (Choáng), chữa ho, long đờm.
Liều lượng: Ngày 0.5-2g, dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc điều chế thành xirô.
Dùng ngoài: An tức hương 20g, cồn 800 100g. Ngâm 10 ngày thỉnh thoảng lắc cho tan. Lọc đóng chai. Khi dùng pha nửa thìa cà phê cồn này vào bát nước sôi để xông chữa ho, khản cổ. Hoặc pha vào 5-10ml nước đun sôi để nguội, bôi lên vú nứt nẻ.
Kiêng kỵ.
Người âm hư hỏa vượng, hấp sốt, huyết áp cao, không nên dùng cánh kiến trắng.
No comments:
Post a Comment