Tên khác: Nam sâm, Nhẫm sâm.
Tên khoa học: Millettia speciosa Champ.
Họ: Cánh bướm (Fabaceae).
Đặc điểm và phân bố Cát Sâm
Cát Sâm cây nhỡ, có rễ củ, mẫm. Lá kép lông chim lẻ, gồm 7-9 lá chét, có lá kèm, lá non phủ nhiều lông màu xám. Hoa tự chùm, hoa màu lam nhạt. Đài hình chuông, tràng hình bướm, 10 nhị lưỡng thể. Quả loại đậu, hẹp. Hạt hình lập phương.
Cát sâm mọc hoang vùng đồi núi, cũng có trồng ở một số nơi.
|
Cát Sâm |
Bộ phận dùng, chế biến, bảo quản Cát Sâm
Dùng rễ củ. Vào mùa đông xuân, đào cát sâm lấy rễ củ những cây đã được một năm, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Dùng sống, hoặc tẩm nước gừng hay mật, rồi sao qua.
Tính vị, tác dụng Cát Sâm
Cát Sâm vị ngọt the, tính mát, loại đã tẩm sao tính bình. Giải khát sinh tân (dùng sống), bổ tỳ nhuận phế (tẩm mật sao).
Công dụng, cách dùng, liều lượng Cát Sâm
Cát Sâm dùng cho người cơ thể suy yếu, khí huyết suy nhược, nhức đầu, khát nước, tiểu tiện không thông. Ngày dùng 20-40g, dạng thuốc sắc.
Bài thuốc dùng cho người yếu, kém ăn, tỳ vị hư nhược:
Cát sâm (tẩm gừng sao) 24g, Hoài sơn 8g, Liên nhục 12g, Ý dĩ 8g, Mạch nha 8g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc dùng cho người cơ thể suy nhược, phổi ráo khát nước, nóng về chiều:
Cát sâm (tẩm mật sao) 24g, Mạch môn 8g, Thiên môn 8g, Lá dâu 16g, Lá tre 12g, Rau má 16g, nước 800ml. Sắc còn 200ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.
No comments:
Post a Comment