Tên khoa học: Adenosma capitatum Benth.
Họ: Hoa Mõm chó. (Scrophulariaceae).
Đặc điểm và phân bố.
Loại thảo cao 15-50cm, mang nhiều
cành ngay từ gốc. Thân nhẵn hoặc hơi có lông. Lá mọc đối, có cuống, phiến lá
hình mác, đầu nhọn, phía cuống hẹp lại, dài chừng 3.5 cm, rộng 1.5cm khía rang cưa
nhỏ. Hoa tự hình cầu, thường có hai lá kèm. Hoa nhỏ không cuống, đài có lông,
tràng cánh hợp, có hai môi, môi trên xẻ 4, môi dưới nguyên. Đài có lông, 2 môi,
môi trên nguyên, môi dưới xẻ 4, 4 nhị. Bầu hai ô, quả nang, nhiều hạt.
Mọc hoang ở nhiều nơi, nhất là tại
các đồi trọc vùng Vĩnh Phú và đồng bằng Nam Bộ.
Bộ phận dùng, chế biến, bảo quản.
Toàn cây, trừ rễ.
Thường thu hái vào mùa hè khi cây
đang ra hoa, rửa sạch, phơi trong râm mát tới khô, bó lại để nơi khô ráo,
thoáng gió. Khi dùng cắt ngắn.
Thành phần hóa học.
Có tinh dầu, mùi hăng, vàng, nhẹ
hơn hơi nước. Ngoài ra còn có kali nitrat, saponozit, glycozit.
Tính vị, tác dụng.
Vị đắng hơi cay, mùi thơm, tính
mát, thanh nhiệt, thông tiểu.
Công dụng, cách dùng, liều lượng.
Thường dùng làm thuốc giúp sự tiêu
hóa, làm cho ăn ngon, nhất là đối với phụ nữ sau khi đẻ. Còn dùng làm thuốc ra
mồ hôi, thông khí, lợi tiểu tiện, chữa sốt, nhức mắt, chóng mặt, chữa bệnh vàng
da do viêm gan siêu vi trùng.
Ngày dùng 8-20g, uống dưới dạng thuốc
sắc, xiro. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như Đanh dành (chi tử).
Bài thuốc chữa viêm gan do siêu vi
trùng: Bồ bồ 10g, Dành dành 6g, sắc với nước, rồi them đường chế thành xiro,
chia 3 lần uống trong ngày.
Ghi chú: Tránh nhầm với cây Nhân trần
có tên khoa học là Adenosma caeruleum
R.Br., họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)
No comments:
Post a Comment